Tên gọi Hương_Canh

Hương Canh (香 粳) vốn gốc là tên một xã của huyện An Lãng, trấn Sơn Tây đời Lê, rồi được lấy lên làm tên tổng thời Nguyễn và tên của thị trấn huyện lỵ ngày nay, nhưng theo cách hiểu của người địa phương, Hương Canh cũng là tên gọi chung của ba làng Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh (Tiên Hường), gọi là ba làng Cánh.

Theo cách phân tích chiết tự chữ Hán, Hương (香) nghĩa là mùi thơm, Canh (粳) là lúa tám thơm. Do đó Hương Canh nghĩa là: Mùi thơm hương lúa (gié, tám thơm)

Hương Canh có tên nôm là Kẻ Cánh, chữ “Cánh” của tên làng chính là lấy tên từ sản vật địa phương là giống lúa gié cánh nổi tiếng xưa kia. Tên nôm ấy cũng thuần túy như tên bao làng xã khác khi xưa ở miền Bắc như các làng Kẻ Mía (Đường Lâm, Sơn Tây). Kẻ Mỏ (Minh Tân, Yên Lạc). Kẻ Bưởi (Yên Thái), Kẻ Mọc (Nhân Mục)...

Tên Nôm của các làng khi xưa thường được đặt do lấy gợi ý từ đặc thù về cảnh quan, môi trường sinh thái nơi làng đó cư trú hoặc cũng có khi hình thành do có nhiều một loại lương thực hoặc hoa màu.

Từ “kẻ” trong tiếng Việt cổ được hiểu là một vùng đất rộng lớn, dân cư đông đúc, cũng là trung tâm chính trị và văn hóa của cả vùng. Những làng ít dân cư, kinh tế kém phát triển hơn không được gọi là kẻ mà chỉ đơn thuần gọi là làng và tên gọi làng ấy, nhân dân trong vùng cũng quen gọi 3 làng Hương, Ngọc, Tiên là ba làng Cánh.

Như thế, tên ba làng là từ tên lúa mà ra. Trước hết là làng Hương, cái tên lấy từ mùi thơm cốm non để gọi, sau có thêm làng Ngọc, có làng Tiên. Tên chữ của ba làng được ghi vào thư tịch, vào thượng lương, các đầu của đình chùa là Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh. Có ba làng Canh như thế, nên sau này cả ba làng gộp lại mới thành Tam Canh.